Chứng hôi miệng, nguyên nhân chính và các bệnh liên quan
Chứng hôi miệng có thể gây phiền toái và ảnh hưởng đến sự tự tin trong giao tiếp. Tuy nhiên, tình trạng này đôi khi là dấu hiệu của những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng hơn. Vậy nguyên nhân gây ra chứng hôi miệng là do đâu? Hãy để Nha Khoa Hoa Hồng Phương Đông chia sẻ chi tiết, giúp bạn không chỉ cải thiện hơi thở mà còn nhận diện sớm các vấn đề sức khỏe tiềm ẩn.
Tìm hiểu chứng hôi miệng và cách nhận biết
Chứng hôi miệng là tình trạng hơi thở phát ra mùi hôi hoặc mùi khó chịu khi bạn nói chuyện. Đây là một vấn đề phổ biến mà nhiều người gặp phải, không phân biệt lứa tuổi. Hôi miệng đứng ở vị trí thứ ba trong các bệnh lý về nha khoa, chỉ sau sâu răng và viêm nha chu, với khoảng 25% dân số gặp phải tình trạng này ở nhiều mức độ khác nhau.
Để xác định xem bạn có gặp phải vấn đề này hay không, có một số cách đơn giản bạn có thể thử:
- Liếm mặt trong cổ tay và ngửi mùi. Nếu bạn cảm thấy mùi hôi, có thể bạn đang mắc phải tình trạng này.
- Kiểm tra mùi trên chỉ nha khoa sau khi làm sạch răng, hoặc úp lòng bàn tay lại, thở ra qua miệng và ngửi mùi để đánh giá tình trạng hôi miệng.
Những tác nhân phổ biến gây nên tình trạng hôi miệng
Miệng là “cửa ngõ” của cơ thể, vì vậy, để hiểu rõ hơn về tình trạng hôi miệng này, quan trọng là phải xác định nguyên nhân gây ra. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến dẫn đến chứng hôi miệng mà bạn nên biết để có phương pháp điều trị hiệu quả.
Chế độ dinh dưỡng và chăm sóc vệ sinh răng miệng
Một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây nên tình trạng hôi miệng là do chế độ ăn uống và chưa vệ sinh răng miệng đúng cách, cụ thể:
- Mảng thức ăn và vi khuẩn: Thức ăn bám lại ở kẽ răng chân răng, hoặc trên bề mặt răng và lưỡi tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Những vi khuẩn này phân hủy thức ăn và sản sinh ra các hợp chất có mùi khó chịu.
- Vệ sinh răng miệng kém: Không đánh răng đều đặn ít nhất 2 lần 1 ngày, không vệ sinh lưỡi hay làm sạch toàn bộ khoang miệng, các mảng bám thức ăn và vi khuẩn có thể tích tụ. Sự tích tụ này tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến việc phân hủy thức ăn và hình thành các hợp chất gây mùi khó chịu.
- Thực phẩm và gia vị có mùi mạnh: Tiêu thụ các loại thực phẩm có mùi nặng như sầu riêng, các loại mắm, hành, tỏi và các loại rau mùi có thể làm cho hơi thở trở nên nặng mùi.
- Đồ uống và thói quen xấu: Sử dụng đồ uống có cồn như rượu, bia, cà phê, và đồ uống có gas, cùng với việc hút thuốc lá hoặc xì gà có thể gây khô niêm mạc miệng, tạo ra mùi khó chịu trong khoang miệng.
- Không thường xuyên lấy cao răng: Không lấy cao răng thường xuyên làm cho các mảng bám tích tụ tại chân răng, tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển và dẫn đến hơi thở hôi.
Các bệnh về răng miệng
Sức khỏe răng miệng có ảnh hưởng lớn đến tình trạng hôi miệng. Các vấn đề liên quan đến răng và nướu có thể tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, dẫn đến hơi thở có mùi khó chịu. Dưới đây là những nguyên nhân sức khỏe răng miệng thường gặp gây ra chứng hôi miệng:
- Viêm lưỡi: Khi lưỡi bị viêm, các vết nứt trên bề mặt lưỡi sẽ tạo ra môi trường ít oxy, làm giảm khả năng hoạt động của tuyến nước bọt. Sự giảm nước bọt tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây ra hơi thở hôi.
- Sâu răng: Răng bị sâu tạo ra các lỗ hổng nơi thức ăn và vi khuẩn có thể tích tụ và phân hủy. Quá trình phân hủy này sản sinh ra các hợp chất gây mùi hôi, ảnh hưởng đến hơi thở.
- Bệnh nha chu và nướu: Các vấn đề như viêm nướu, viêm nha chu, viêm nướu hoại tử lở loét cấp tính, viêm quanh răng, và áp xe có thể dẫn đến chứng hôi miệng do sự tích tụ vi khuẩn và viêm nhiễm.
- Hội chứng Sjogren: Đây là một bệnh lý tự miễn ảnh hưởng đến các tuyến nước bọt, làm giảm lượng nước bọt trong miệng. Điều này dẫn đến sự gia tăng axit và môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
- Giảm tuyến nước bọt gây khô miệng: Ở người cao tuổi, người trẻ có tuyến nước bọt ít hoặc những người sử dụng thuốc trị bệnh, hóa trị, xạ trị, tình trạng giảm tiết nước bọt có thể gây khô miệng, từ đó dẫn đến tình trạng hôi miệng.
- Các bệnh về xương: Viêm tủy xương, hoại tử xương hoặc viêm ổ răng khô có thể gây ra hơi thở hôi do viêm nhiễm và tổn thương mô xương.
- Nhiễm nấm Candida: Nấm Candida có thể gây ra chứng hôi miệng, thường kèm theo các triệu chứng khác như tổn thương niêm mạc miệng.
- Viêm lợi do làm răng sứ không đúng cách: Gần đây, tình trạng hôi miệng do viêm lợi từ việc làm răng sứ không đúng quy cách ngày càng phổ biến, dẫn đến sự phát triển của vi khuẩn và viêm nhiễm.
Xem thêm: 15 loại bệnh răng miệng phổ biến và hướng điều trị
Sức khỏe cơ thể có vấn đề
Vấn đề hôi miệng cũng báo hiệu cho tình trạng sức khoẻ của bạn không ổn định. Vì vậy, dưới đây là những nguyên nhân liên quan đến sức khỏe mà bạn cần lưu ý:
- Tác dụng phụ của thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra chứng hôi miệng như amphetamine, chloral hydrate, thuốc gây độc tế bào, dimethyl sulphoxide, disulfiram, nitrate, nitrite, và phenothiazine. Những thuốc này có thể thay đổi môi trường miệng hoặc gây khô miệng, dẫn đến hơi thở có mùi.
- Bệnh lý đường hô hấp: Các tình trạng nhiễm trùng mũi họng, bao gồm viêm mũi, viêm xoang, viêm amidan, và các vấn đề ở vùng hầu, có thể làm tăng nguy cơ hôi miệng do sự tích tụ dịch nhầy và vi khuẩn.
- Vấn đề về hệ tiêu hóa: Hơi thở hôi thường là triệu chứng của bệnh trào ngược dạ dày - thực quản hoặc táo bón. Nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori gây viêm loét dạ dày cũng có thể dẫn đến tình trạng hôi miệng.
- Ung thư khoang miệng hoặc phổi: Ung thư khoang miệng có thể gây ra hôi miệng kéo dài do sự hiện diện của khối u hoặc nhiễm trùng trong miệng, dẫn đến sự phát tán các chất có mùi khó chịu. Tương tự, ung thư phổi có thể gây hôi miệng do sự lan rộng của tế bào ung thư hoặc nhiễm trùng, tạo ra mùi hôi đặc trưng và khó chịu.
- Các bệnh lý cơ thể khác: Bệnh tiểu đường, các vấn đề về gan và thận có thể dẫn đến hôi miệng do sự phân hủy mỡ trong cơ thể và các chất độc được thải ra qua hơi thở gây nên tình trạng hôi miệng.
- Hội chứng mùi cá ươn: Đây là một hội chứng di truyền hiếm gặp do rối loạn chuyển hóa trimethylamine trong cơ thể. Khi cơ thể không chuyển hóa được hợp chất này, nó tích tụ và gây ra mùi cá ươn trong hơi thở.
Xem thêm: 11 loại hôi miệng cảnh báo những vấn đề sức khỏe
Biện pháp xử lý vấn đề hôi miệng
Hôi miệng gây ảnh hưởng lớn đến giao tiếp và sinh hoạt, tạo nên bức tường tự ti với những người xung quanh. Hiểu được điều đó, Nha Khoa Hoa Hồng Phương Đông chia sẻ một số phương pháp giúp bạn cải thiện tình trạng này một cách hiệu quả:
- Duy trì vệ sinh răng miệng tốt: Đánh răng tối thiểu hai lần một ngày bằng kem đánh răng chứa khoáng chất fluoride và sử dụng bàn chải kẽ hoặc chỉ nha khoa để làm sạch kẽ răng. Đừng quên làm sạch lưỡi bằng bàn chải hoặc cạo lưỡi để loại bỏ vi khuẩn và mảng bám.
- Sử dụng nước súc miệng: Sử dụng nước súc miệng kháng khuẩn có thể giúp giảm vi khuẩn và mùi hôi trong khoang miệng. Nên lựa chọn sản phẩm chứa thành phần như chlorhexidine hoặc cetylpyridinium chloride.
- Thực hiện kiểm tra và điều trị nha khoa định kỳ: Đảm bảo thăm khám bác sĩ nha khoa thường xuyên và ít nhất hai lần một năm để kiểm tra, điều trị các vấn đề như sâu răng, bệnh nha chu, hoặc các vấn đề về nướu.
- Uống đủ nước hoặc sử dụng sản phẩm hỗ trợ tăng tuyến nước bọt: Cung cấp đủ nước cho cơ thể giúp duy trì lượng nước bọt hoặc sử dụng các sản phẩm làm ẩm miệng, kích thích tuyến nước bọt, điều này quan trọng trong việc rửa trôi thức ăn và vi khuẩn, giảm thiểu tình trạng miệng khô và mùi hôi.
- Kiểm soát chế độ ăn uống: Tránh các thực phẩm có mùi mạnh như tỏi, hành, và các loại gia vị có thể làm tăng mùi hôi miệng. Đồng thời, hạn chế ăn quá no hoặc các món ăn đậm vị chua, cay. Thay vào đó, hãy ăn nhiều trái cây và rau xanh giúp làm sạch miệng và cung cấp vitamin thiết yếu.
- Dừng các thói quen xấu: Nếu bạn hút thuốc hoặc sử dụng các sản phẩm chứa nicotine, hãy cân nhắc ngừng ngay lập tức vì đây là nguyên nhân chính gây ra mùi hôi trong miệng.
- Thăm khám sức khoẻ tổng quan: Nếu chứng hôi miệng kéo dài trong một thời gian và không có dấu hiệu cải thiện. Hãy thăm khám sức khỏe tổng quát để phát hiện những bệnh lý cơ thể thư tiểu đường, thận, gan,... để điều trị kịp thời.
Những nguyên nhân dẫn đến chứng hôi miệng đã được Nha Khoa Hoa Hồng Phương Đông tổng hợp chi tiết và đầy đủ trong bài viết trên. Hiểu rõ nguyên nhân và các bệnh liên quan giúp bạn chủ động hơn trong việc điều trị và phòng ngừa. Nhờ đó, bạn không chỉ cải thiện tình trạng hơi thở mà còn tự tin hơn trong giao tiếp và chăm sóc sức khỏe toàn diện.
Thời gian làm việc
- Thứ 2 - thứ 6: 08:00 - 19:00
- Thứ 7: 08:00 - 18:00
- Chủ nhật nghỉ
Hỗ trợ khách hàng
- Hotline 1: (+84) 908 321 455
- Hotline 2: (+84) 931 857 885
- Mobile: (+84) 8 3925 8778
- Phone: (+84)2 838 258 778
- info@dentalrose.net
- rosedentalclinicvn@gmail.com