166 Đồng Văn Cống, P.Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, Tp.HCM (Gần chung cư The Vista Verdes)

Men răng tuy rất rắn chắc nhưng cũng có thể bị mẻ nếu bạn có thói quen nghiến răng, ăn thức ăn cứng, bị chấn thương… Khi răng bị mẻ, bạn cần tìm cách xử lý sớm trước khi răng hay nướu nhiễm trùng.

Tại sao răng bị mẻ?

Răng có thể bị mẻ vì bất kỳ nguyên nhân gì. Một số nguyên nhân phổ biến gây mẻ răng là:

  • Cắn các vật cứng 
  • Bị té hoặc gặp tai nạn xe cộ
  • Bị chấn thương khi chơi thể thao
  • Có thói quen nghiến răng khi ngủ

Các răng yếu sẽ có nguy cơ bị mẻ cao hơn những răng khỏe mạnh khác. Những yếu tố có thể làm răng yếu đi và dễ bị mẻ là:

  • Trên 50 tuổi
  • Bệnh sâu răng 
  • Ăn nhiều đường
  • Răng đã từng trám 
  • Bị rối loạn ăn uống
  • Thói quen nghiến răng
  • Sử dụng đồ uống có cồn quá mức
  • Mắc bệnh trào ngược dạ dày hoặc ợ nóng
  • Ăn nhiều thực phẩm có thể kích thích sản xuất axit như nước ép trái cây, cà phê và thực phẩm cay.

Ảnh hưởng của răng mẻ

Không chỉ gây mất thẩm mỹ, răng mẻ còn ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai và sức khỏe răng miệng nếu không điều trị sớm. Theo thời gian, bạn sẽ gặp phải một số triệu chứng viêm gây ra tình trạng sốt, đau răng, răng nhạy cảm và hơi thở có mùi hôi.

Không chỉ vậy, răng sứt mẻ còn tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển và gây tổn hại đến ngà răng, gây ra bệnh sâu răng, viêm chân răng, viêm tủy,... Nếu không sớm điều trị răng mẻ, tình trạng này có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm như: viêm tủy răng, áp xe cuống răng... dẫn đến mất răng vĩnh viễn.

Điều trị răng mẻ hiệu quả

Khi bị mẻ răng, bạn cần tới nha sĩ càng sớm càng tốt để kiểm tra tình trạng răng miệng. Tùy vào tình trạng mẻ, nha sĩ sẽ tư vấn các cách xử lý sau:

cách xử lý răng bị mẻ

1. Trám răng

Nha sĩ sẽ phục hồi hình dạng của răng bằng cách trám răng bằng vật liệu composite hoặc sứ. Sau khi trám, nha sĩ sẽ dùng ánh sáng cực tím để làm khô chỗ trám rồi tiếp tục chỉnh hình cho tới khi răng có được hình dạng mong muốn. Răng trám có thể có tuổi thọ tới 10 năm.

2. Bọc răng

Nếu răng bị mẻ quá nhiều hoặc sâu răng nặng, bạn có thể sẽ cần bọc răng sứ. Khi tiến hành bọc răng, nha sĩ sẽ mài một phần răng rồi làm một chiếc mão răng để chụp vào chiếc răng vừa mài. Mão răng có thể được làm từ kim loại, sứ, nhựa, kim quý… Mỗi loại mão đều có ưu nhược điểm riêng nên bạn có thể tham khảo ý kiến của nha sĩ để chọn được loại mão phù hợp nhất với mình.

Xem thêm: Quy trình bọc răng sứ

3. Dán sứ veneer

Thủ thuật dán sứ veneer có thể giúp răng cửa bị vỡ hoặc mẻ phục hồi độ thẩm mỹ và khỏe mạnh. Để chuẩn bị cho quy trình dán sứ veneer, nha sĩ sẽ cạo bớt khoảng 0,3 - 1,2mm men răng. Sau đó, nha sĩ sẽ tạo mẫu răng để làm miếng dán veneer thích hợp. Khi miếng dán veneer đã xong, nha sĩ sẽ giúp bạn đặt vào răng.

4. Lấy tủy răng

Nếu răng bị mẻ quá nặng khiếm tủy răng bị lộ ra, vi khuẩn từ miệng có thể xâm nhập và gây nhiễm trùng tủy. Dấu hiệu cho thấy tủy răng bị ảnh hưởng là răng đau, đổi màu hoặc nhạy cảm với nhiệt. Nếu tình trạng này kéo dài, tủy sẽ chết và bạn có thể sẽ phải nhổ răng.

Vậy nên khi phát hiện tủy răng đã bị ảnh hưởng, bạn sẽ cần điều trị lấy tủy răng đã hư ra và làm sạch chân răng để bảo vệ chiếc răng. Quy trình này thường sẽ không quá đau vì bạn sẽ được gây tê.

Cách chăm sóc răng bị mẻ

Khi răng bị mẻ, bạn có thể bị đau nhức rất khó chịu. Vậy nên, bạn cần tìm cách chăm sóc giảm đau cho răng bên cạnh việc đến nha sĩ thăm khám. Một số cách bạn có thể áp dụng để chăm sóc răng là:

  • Uống thuốc giảm đau: Bạn có thể uống thuốc giảm đau ibuprofen (hay còn gọi là Advil, Motrin IB)
  • Súc miệng nước muối: Nước muối có thể giúp bạn làm sạch miệng để tránh nhiễm trùng. Bên cạnh việc súc miệng, bạn cũng có thể dùng chỉ nha khoa làm sạch kẽ răng để trong miệng không còn đồ ăn thừa.
  • Chọn thức ăn mềm: Thức ăn mềm sẽ giúp bạn bớt đau khi ăn. Bên cạnh đó, bạn cũng nên tránh dùng răng bị mẻ để nhai. 

Trong trường hợp răng bị mẻ, bạn có thể đến nha sĩ để được thăm khám và chọn những cách xử lý phù hợp như trám răng, bọc răng, dán sứ veneer… Những thủ thuật này không quá phức tạp hay đau đớn mà lại có thể giúp bạn bảo vệ sức khỏe răng miệng rất tốt đấy.

Nguồn tham khảo

Repairing a Chipped or Broken Tooth.
https://www.webmd.com/oral-health/guide/repairing-a-chipped-or-broken-tooth#1