166 Đồng Văn Cống, P.Thạnh Mỹ Lợi, Quận 2, Tp.HCM (Gần chung cư The Vista Verdes)

Trong thời kỳ mang thai, sức khỏe răng miệng của mẹ bầu thường bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi hormone và thói quen ăn uống. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tổng quát mà còn gây nên những hệ luỵ trong tương lai nếu không được điều trị kịp thời. Cùng Nha Khoa Hoa Hồng Phương Đông khám phá ngay những vấn đến thường gặp và những bí kíp phòng ngừa hiệu quả trong bài viết này nhé.

Tầm quan trọng của chăm sóc răng miệng trong thời kỳ mang thai

Tầm quan trọng của chăm sóc răng miệng trong thai kỳ

Trong giai đoạn mang thai, sức khỏe răng miệng của mẹ bầu là một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến cả mẹ và thai nhi. Sự thay đổi hormone trong thời kỳ thai kỳ có thể dẫn đến các vấn đề về răng miệng. Những vấn đề này không chỉ ảnh hưởng, gây khó chịu mà còn có thể dẫn đến các rủi ro sức khỏe nghiêm trọng như sinh non và ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

Để bảo vệ sức khỏe răng miệng trong thời kỳ thai kỳ, việc duy trì thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách là rất quan trọng. Đánh răng đều đặn mỗi ngày 2 lần, sử dụng chỉ nha khoa và thăm khám nha sĩ định kỳ sẽ giúp giảm nguy cơ mắc các bệnh lý răng miệng và cải thiện sức khỏe tổng thể cho cả mẹ và bé.

Những vấn đề răng miệng phổ biến thường gặp trong thời kỳ mang thai

Vấn đề răng miệng phổ biến trong thời kỳ mang thai

Theo thống kê, có khoảng hơn 40% phụ nữ gặp phải vấn đề răng miệng trong thời kỳ mang thai, ảnh hưởng không chỉ đến sức khỏe của mẹ mà còn có thể tác động đến thai nhi. Một số vấn đề răng miệng thường xuyên xảy ra khi mang thai như sau.

Viêm nha chu
Trong thai kỳ, sự thay đổi hormone estrogenprogesterone dẫn đến sự giãn nở của mạch máu và mô mềm quanh răng. Điều này làm tăng nguy cơ viêm nướu và viêm nha chu, với triệu chứng bao gồm sưng, đỏ và chảy máu nướu. Nếu không được điều trị kịp thời, viêm nướu có thể tiến triển nhanh chóng thành viêm nha chu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe răng miệng và có thể tác động đến sức khỏe của thai nhi, đặc biệt là có thể dẫn đến sinh non hoặc trẻ bị nhẹ cân. 

Mòn và hư hỏng men răng
Hội chứng nôn nghén trong thai kỳ có thể gây hại cho sức khỏe răng miệng bằng cách làm yếu men răng. Nôn mửa thường xuyên dẫn đến việc axit từ dạ dày tiếp xúc với bề mặt răng, gây xói mòn men và làm tăng nguy cơ sâu răng. Để bảo vệ men răng, phụ nữ mang thai nên súc miệng bằng nước sạch sau khi nôn và duy trì thói quen vệ sinh răng miệng đúng cách, bao gồm đánh răng nhẹ nhàng và sử dụng chỉ nha khoa.

Sâu răng và viêm tủy răng
Sự thay đổi hormone và chế độ ăn uống trong thời gian mang thai có thể làm tăng nguy cơ sâu răng. Thực phẩm có đường và việc ăn vặt thường xuyên tạo điều kiện thuận lợi cho vi khuẩn trong miệng phát triển và sản xuất axit, gây hại cho men răng. Axit từ thực phẩm có đường có thể làm phá vỡ men răng và dẫn đến sự hình thành sâu răng. Để giảm nguy cơ, mẹ bầu nên hạn chế ăn vặt và tiêu thụ thực phẩm có đường, đồng thời duy trì vệ sinh răng miệng tốt.

Điều trị viêm tủy răng tại Nha Khoa Hoa Hồng Phương Đông

Chảy máu nướu
Viêm lợi thường gây chảy máu khi đánh răng hoặc khi ăn, và đây là một triệu chứng phổ biến trong thai kỳ do sự thay đổi hormone. Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời, viêm lợi có thể tiến triển thành viêm nha chu, dẫn đến các vấn đề nghiêm trọng như tổn thương mô quanh răng và đặc biệt là mất răng. 

Hơi thở có mùi và khô miệng
Thay đổi trong chế độ ăn uống và sự tích tụ vi khuẩn do viêm lợi có thể dẫn đến mùi hơi thở của bà bầu trở nên khó chịu. Vi khuẩn phát triển trên nướu bị viêm sản xuất các hợp chất gây mùi, làm cho hơi thở trở nên không dễ chịu. Ngoài ra, cơ thể mệt mỏi khi mang bầu cũng gây nên chứng hôi và khô miệng, cần được chú ý để bổ sung vitamin, khoáng chất và điều trị kịp thời để tránh các vấn đề nghiêm trọng hơn.

U hạt thai nghén
U hạt thai nghén, còn gọi là u nhú nướu, là một tình trạng phổ biến trong thai kỳ, thường xuất hiện từ tháng thứ ba đến tháng thứ sáu. Đây là những khối u màu đỏ hoặc hồng, giống như quả dâu tây, xuất hiện trên nướu và có thể dễ dàng chảy máu. 
Mặc dù không phải là ung thư và không ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, u hạt thai nghén có thể gây khó chịu và làm ảnh hưởng đến vệ sinh răng miệng. Thông thường, tình trạng này sẽ tự biến mất sau khi sinh, nhưng nếu không hết, có thể cần phẫu thuật để cải thiện thẩm mỹ.

Xem thêm: Mẹ bầu có nên nhổ răng khi mang thai không?

Những điểm cần lưu ý khi điều trị nha khoa trong thời gian thai kỳ 

Điều trị nha khoa trong thai kỳ đòi hỏi những lưu ý đặc biệt nhằm đảm bảo an toàn cho thai nhi và tối ưu hóa kết quả điều trị. Dưới đây là một số điểm quan trọng cần lưu ý khi điều trị nha khoa trong thời gian thai kỳ:

Thời điểm phù hợp can thiệp điều trị
Trong ba tháng đầu thai kỳ, các cơ quan của thai nhi đang hình thành, nên cần tránh các can thiệp nha khoa để không ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé. Ba tháng cuối là thời điểm thai nhi đã lớn, trong quá trình điều trị với các tư thế có thể gây khó khăn và có nguy cơ hạ huyết áp do nằm lâu. Vì vậy, nên hạn chế can thiệp nha khoa trong hai thời điểm này, trừ những trường hợp khẩn cấp mà bác sĩ sẽ cân nhắc lợi ích và nguy cơ. Ba tháng giữa là thời điểm lý tưởng để thực hiện các điều trị quan trọng mà không thể trì hoãn như nhổ răng hay điều trị tủy.

Các điều trị nha khoa an toàn
Một số phương pháp điều trị như nhổ răng, gây tê tại chỗ, điều trị tủy và cạo vôi răng có thể thực hiện an toàn trong thai kỳ. Trong các trường hợp khẩn cấp như viêm nướu hoặc nhiễm trùng, nha sĩ cần phối hợp với bác sĩ sản khoa để đảm bảo an toàn. Chụp X-quang nha khoa có thể thực hiện với liều lượng bức xạ thấp, nhưng nên hạn chế và bảo vệ bụng bằng áo chì.

Sử dụng thuốc và kháng sinh
Thuốc gây tê tại chỗ và kháng sinh như penicillin, amoxicillin, và clindamycin là an toàn cho thai kỳ. Tuy nhiên, cần tránh tetracycline, vancomycin, streptomycin, ciprofloxacin, benzodiazepine và barbiturat vì có thể gây tác dụng phụ nghiêm trọng đến bà bầu và thai nhi. Thuốc giảm đau nên được chọn cẩn thận, với acetaminophen là lựa chọn ưu tiên trong thai kỳ, trong khi thuốc giảm đau gây nghiện và thuốc chống viêm không steroid nên tránh sử dụng.

Kiểm tra định kỳ
Điều trị răng miệng trong thời gian mang thai thường khó khăn hơn. Vậy nên việc thực hiện kiểm tra nha khoa định kỳ trong ba tháng đầu thai kỳ hai lần, sau đó mỗi ba tháng một lần là rất cần thiết để đảm bảo hạn chế vấn đề răng miệng nghiêm trọng xảy ra. Sau lần kiểm tra đầu tiên, nếu sức khỏe răng miệng tốt, bạn nên tiếp tục theo dõi và thực hiện điều trị cần thiết trong ba tháng giữa thai kỳ để đảm bảo sức khỏe răng miệng của bà bầu. 

Hướng dẫn chăm sóc răng miệng khi mang thai

Chăm sóc răng miệng trong thời kỳ mang thai

Nhiều bà bầu thường bỏ qua việc chăm sóc răng miệng trong quá trình mang thai, tuy nhiên, việc hiểu rõ tầm quan trọng của bảo vệ răng miệng là rất cần thiết. Dưới đây là tổng hợp chi tiết hướng dẫn chăm sóc răng miệng từ Nha Khoa Hoa Hồng Phương Đông:

  • Chải răng đúng cách: Hãy chải răng ít nhất hai lần mỗi ngày bằng bàn chải mềm và kem đánh răng chứa fluoride để ngăn ngừa sâu răng và viêm lợi.
  • Sử dụng chỉ nha khoa: Dùng chỉ nha khoa mỗi ngày để loại bỏ mảng bám và thức ăn còn sót lại giữa các kẽ răng, giúp giảm nguy cơ viêm lợi.
  • Chế độ ăn uống lành mạnh: Hạn chế đồ ăn ngọt và chứa nhiều đường. Thay vào đó, hãy bổ sung các thực phẩm giàu vitamin và khoáng chất như canxi và vitamin D để hỗ trợ sức khỏe răng miệng.
  • Khám nha khoa định kỳ: Đảm bảo thăm khám nha khoa thường xuyên ít nhất 1 lần trong thời gian mang thai. Thông báo cho nha sĩ biết về tình trạng mang thai của bạn để được chăm sóc an toàn và phù hợp.
  • Chống khô miệng: Uống nhiều nước và sử dụng kẹo cao su không đường để kích thích tiết nước bọt, giúp chống lại khô miệng và mùi hơi thở khó chịu.
  • Vệ sinh sau khi nôn ốm nghén: Nếu bạn bị nôn mửa do ốm nghén, hãy súc miệng với nước hoặc nước súc miệng có fluoride để bảo vệ men răng khỏi axit.

Chăm sóc răng miệng trong thời kỳ thai nghén không chỉ bảo vệ sức khỏe của mẹ mà còn góp phần đảm bảo sự phát triển khỏe mạnh của thai nhi. Nha Khoa Hoa Hồng Phương Đông khuyên bà bầu nên kết hợp chăm sóc răng miệng tại nhà và thăm khám tại nha khoa để phát hiện những vấn đề còn tiềm ẩn. Điều này là cần thiết để ngăn ngừa các vấn đề có thể gây hại cho sức khỏe của mẹ và sự phát triển của bé.

East rose dental clinic

Thời gian làm việc
  • Thứ 2 - thứ 6: 08:00 - 19:00
  • Thứ 7: 08:00 - 18:00
  • Chủ nhật nghỉ